Làm Lư châu thứ sứ Dương_Hành_Mật

Cũng vào năm 883, hai thuộc cấp của Cao Biền là Du Công Sở (俞公楚) và Diêu Quý Lễ (姚歸禮) thất bại trong việc hành thích phương sĩ Lã Dụng Chi (呂用之)- người được Cao Biền tin tưởng và nắm quyền khống chế Hoài Nam trên thực tế. Lã Dụng Chi buộc tội hai người này, Cao Biền quyết định khiển họ đi trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Lã Dụng Chi sau đó mật báo (sai trái) với Dương Hành Mẫn rằng Du Công Sở và Diêu Quý Lễ định tiến công Lư châu. Đáp lại, Dương Hành Mẫn tiến hành phục kích Du Công Sở và Diêu Quý Lễ, giết chết họ, và sau đó tâu với Cao Biền rằng họ âm mưu tiến hành binh biến. Cao Biền không rõ sự tình nên khen thưởng Dương Hành Mẫn có công "dẹp loạn".[5]

Năm 884, khi tụng tử của Cao Biền là Cao Ngu (高澞)- đang cai quản Thư châu[chú 3] bị quân nổi dậy của Trần Nho (陳儒) tiến công, Cao Ngu phải cầu viện Dương Hành Mẫn. Dương Hành Mẫn không có đủ binh lính để ứng cứu, song khiển bộ tướng Lý Thần Phúc (李神福) đem một đội quân đến và khiến cho Trần Nho tin rằng một đội quân lớn đang từ Lư châu tiến đến, kết quả là Trần Nho chạy trốn. Sau đó, khi Tần Tông Quyền khiển binh tiến công Lư châu, Dương Hành Mẫn khiển Điền Quân đem quân đi đẩy lui cuộc tiến công của quân Tần Tông Quyền. Trong khi đó, khi đội quân nổi dậy của Ngô Quýnh (吳迥) và Lý Bản (李本) tiến công Thư châu, Cao Ngu quyết định bỏ châu này (và sau đó bị Cao Biền xử tử). Dương Hành Mẫn khiển bộ tướng Đào Nhã (陶雅) và Trương Huấn (張訓) đem binh tiến công Ngô Quýnh và Lý Bản; sau khi Đào Nhã và Trương Huấn bắt giữ và xử tử Ngô Quýnh cùng Lý Bản, Dương Hành Mẫn ủy quyền cho Đào Nhã giữ chức Thư châu thứ sử.[5]

Năm 886, trong thời điểm mà các thứ sử của Hoài Nam tiến đánh lẫn nhau để mở rộng thế lực, Thọ châu[chú 4] thứ sử Trương Cao (張翱) khiển bộ tướng Ngụy Kiền (魏虔) tiến công Lư châu. Dương Hành Mật khiển Điền Quân, Lý Thần Phúc và Trương Huấn đem quân kháng cự, kết quả đẩy lui được cuộc tiến công của Ngụy Kiền. Trong khi đó, Trừ châu[chú 5] thứ sử Hứa Kình (許勍) đem binh tiến công Thư châu; Đào Nhã không thể kháng cự và phải chạy trốn về Lư châu, Thư châu rơi vào tay Hứa Kình. Cũng vào năm 886, theo lệnh của Cao Biền, Dương Hành Mẫn đổi tên thành Dương Hành Mật.[6]